Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam là một dịp để xã hội tôn vinh những người đang công tác trong ngành Giáo dục, những người vẫn miệt mài ngày đêm với sự nghiệp trồng người cho đất nước. Ngày 20/11 từ lâu đã trở thành ngày hội lớn được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Với ý nghĩa cao quý bắt nguồn từ truyền thống tôn sư trọng đạo và những giá trị văn hoá ngàn đời của dân tộc ta.
Lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 có một lịch sử rất đặc biệt, vừa có tính quốc tế, tính dân tộc, vừa mang đặc trưng của nhà giáo, của ngành giáo dục và cũng là ngày hội của toàn dân.
Tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục. Năm 1949 tại hội nghị ở Vác-xa-va thủ đô Ba Lan, Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục xây dựng một bản Hiến chương các nhà giáo. Tháng 7/1953 Công đoàn giáo dục Việt Nam được gia nhập tổ chức giáo giới quốc tế này. Tháng 8/1954 tổ chức công đoàn của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các nhà giáo”, gồm 15 chương trong đó có một số nội dung chủ yếu là:
- Đấu tranh chống lại các quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học.
- Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của các nhà giáo.
- Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao nghề dạy học.
Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Vác-xa-va thủ đô Ba Lan, hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 đã quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày “Hiến chương các nhà giáo”
Ở Việt Nam, ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam.
Để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên, cũng như nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng CNXH và phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và cô giáo; theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng bộ trưởng đã ra quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 nêu rõ: “Hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam”.
Sau cách mạng tháng Tám, trước bốn bề khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định 3 loại giặc cần phải loại bỏ: giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Vì lẽ đó, mà Người rất mực quan tâm đến giáo dục bởi “Vì lợi ích mười năm trồng cây,Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Để thực hiện thành công sự nghiệp trồng người thì vai trò của thầy, cô giáo là vô cùng quan trọng. Người khăng định: Người thấy giáo tốt - thầy xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta luôn coi trọng giáo dục và đào tạo, coi đây là “quốc sách hàng đầu” là chìa khóa để hội nhập và phát triển. Giáo dục và đào tạo và người hoạt động trong lĩnh vực này được xã hội tôn vinh coi trọng với quan điểm “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”.
Lịch sử nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã ghi nhận lớp lớp nhà giáo ngày đêm tận tụy với nghề, lao động sáng tạo, quên mình và nhiều thầy giáo đã hy sinh tuổi thanh xuân đem ánh sáng văn hóa cho đồng bào vùng cao, vùng xa. Những thành tựu mà ngành giáo dục và đào tạo đạt được chính là nhờ lớp lớp thầy giáo, cô giáo của bao thế hệ đã tận tình, tâm huyết với nghề, tạo nên những truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam để chúng ta học tập và phát huy.
Tiến tới chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động, chương trình diễn ra sôi nổi trên cả nước mang nhiều ý nghĩa. Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động, sự kiện kỉ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) và thành lập Ban chỉ đạo cùng các tiểu ban tổ chức sự kiện ý nghĩa này. Mục đích của sự kiện nhằm tri ân, tôn vinh những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, tạo sự hứng khởi, khơi dậy tinh thần "hết lòng vì học sinh thân yêu", thúc đẩy toàn bộ đội ngũ nhà giáo và toàn ngành hoàn thành tốt các nhiệm vụ cao cả trong sự nghiệp trồng người. Dự kiến lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và khen thưởng các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội.
Tại Quảng Ninh, nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực cũng đang diễn ra trên khắp các điểm trường. Khởi động từ tháng 10 năm 2022, Hội thi nữ giáo viên tài năng duyên dáng ngành giáo dục Quảng Ninh năm 2022 đã thu hút hàng trăm hồ sơ thí sinh đăng ký tham gia tại 3 cụm được tổ chức tại: TX Đông Triều, huyện Tiên Yên và TP Cẩm Phả. Đây là một hoạt động ý nghĩa thiết thực, một sân chơi văn hóa, lành mạnh, bổ ích. Hội thi cũng là dịp để phát hiện và biểu dương những hạt nhân làm nòng cốt cho phong trào nữ cán bộ nhà giáo người lao động trong toàn ngành giáo dục Quảng Ninh. Tối 11/11, TP Móng Cái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022) và chương trình Nghệ thuật với chủ đề “Vinh quang sự nghiệp trồng người” nhằm tri ân, tôn vinh những công lao to lớn của các thế hệ nhà giáo nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc đối với sự nghiệp giáo dục. Đến nay, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của thành phố đã có bước chuyển biến căn bản và toàn diện. Quy mô trường, lớp được củng cố, mở rộng; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đồng bộ. Toàn thành phố 100% trường học đã được kiên cố hóa, 83,9% trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường được đầu tư xây dựng khang trang với trang thiết bị dạy học hiện đại. Chất lượng giáo dục toàn diện, đại trà và giáo dục mũi nhọn có chuyển biến nhanh, rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa, biên giới biển đảo với các phường trung tâm, đưa giáo dục Móng Cái nằm trong tốp đầu của tỉnh.
Quảng Ninh cũng là một trong các tỉnh quan tâm chăm lo thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Về chính sách đối với học sinh, ngay sau khi Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ban Dân tộc tham mưu cho UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Chính sách đối với nhà giáo, việc xác định các cơ sở giáo dục thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh hiện đang được thực hiện theo các Quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban dân tộc, cụ thể: (1) Các trường thuộc xã hải đảo theo Quyết định số 425/QĐ-TTg ngày 07/4/2017; (2) Các trường thuộc xã biên giới theo Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014; (3) Các trường thuộc xã miền núi và dân tộc thiểu số khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021; (4) Các trường, điểm trường thuộc các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà giáo hiện đang công tác tại các cơ sở giáo dục thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và biên giới không còn được hưởng một số chính sách thu hút so với trước đây. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết quy định một số chính sách đối với nhà giáo công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh, đồng thời sửa đổi bổ sung chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên ở vùng này.
Về đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học được thực hiện theo Nghị quyết số 303/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất trường học trên địa bàn để tổng hợp xây dựng “Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022 - 2025”. Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1355/QĐ-UBND ngày 23/5/2022.
Tôn vinh sự nghiệp cao quý của người thầy “thời hiện đại” không chỉ trong ngày Nhà giáo Việt Nam, không chỉ thể hiện trong những bó hoa tươi thắm, mà cần phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, góp phần cùng xã hội chăm lo với ngành giáo dục để việc dạy tốt, học tốt ngày càng phát huy hiệu quả trong việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nhân tài, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kính chúc các thầy cô giáo sức khỏe, cháy mãi đam mê, giữ mail tâm huyết với nghề, góp phần vào sự nghiệp “trồng người” của đất nước.