Nhắc đến nguồn gốc lịch sử của ngày 19/8, phải nói đến năm 1945 với những trang sử hào hùng của dân tộc ta trong Cách mạng Tháng Tám, mở ra ngày Quốc Khánh đầy thiêng liêng và trọng đại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 19/8 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc khi đánh dấu sự thành công của cách mạng Việt Nam, đập tan sự áp bức bóc lột gần một thế kỷ của thực dân Pháp, chấm dứt chế độ phong kiến và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là ngày tôn vinh lực lượng công an nhân dân - lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc đấu tranh. Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, trong đó quy định: "Ngày 19 tháng 8 hàng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng sâu sắc, đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của một trong những lực lượng vũ trang cách mạng nòng cốt, quan trọng của Đảng, Nhà nước, đảm bảo sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Họ vừa là lực lượng xung kích trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đồng thời giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Đây là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những đóng góp to lớn của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trải qua 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành lực lượng Công an nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đặc biệt đã phá tan mọi âm mưu đen tối của các thế lực thù địch trong và ngoài nước nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa tại nước ta.
Đảng và Nhà nước ta cũng dành nhiều sự quan tâm, động viên tới lực lượng công an nhân dân. Ngày 15/08/2023 tới đây, Luật Công an nhân dân sửa đổi 2023 chính thức có hiệu lực. Luật Công an nhân dân sửa đổi 2023 có 07 điểm mới nổi bật, cụ thể:
1. Tăng hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân từ ngày 15/8/2023
Cụ thể, hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân từ ngày 15/8/2023 như sau:
(i) Hạ sĩ quan: 47; (tăng lên 2 tuổi so với quy định tại Luật Công an nhân dân 2018)
(ii) Cấp úy: 55; (tăng lên 2 tuổi so với quy định hiện hành)
(iii) Thiếu tá, Trung tá: nam 57, nữ 55; (tăng lên 2 tuổi cả nam lẫn nữ so với quy định tại Luật Công an nhân dân 2018)
(iv) Thượng tá: nam 60, nữ 58; (Nam tăng lên 2 tuổi, nữ tăng lên 3 tuổi so với quy định hiện hành)
(v) Đại tá: nam 62, nữ 60; (Nam tăng lên 2 tuổi, nữ tăng lên 5 tuổi so với quy định hiện hành)
(vi) Cấp tướng: nam 62, nữ 60. (Hiện hành Nam nữ trong Công an nhân dân 2018 đều có tuổi hạn phục vụ cao nhất là 60)
2. Tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an từ ngày 15/8/2023
Kể từ ngày 15/8/2023, hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an: nam 62, nữ 60 (Nam: tăng lên 2 tuổi; Nữ: tăng lên 5 tuổi so với quy định tại Điều 11 Nghị định 49/2019/NĐ-CP) và thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài ra, công nhân công an được áp dụng chế độ, chính sách như đối với công nhân quốc phòng.
3. Đại tá lên Thiếu tướng Công an nhân dân phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác
Theo đó, sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác; trường hợp không còn đủ 03 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.
4. Sửa đổi quy định về phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm đối với sĩ quan biệt phái
Theo Luật Công an nhân dân sửa đổi 2023, sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được hưởng chế độ, chính sách như sĩ quan đang công tác trong Công an nhân dân.
Việc phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm đối với sĩ quan biệt phái thực hiện như đối với sĩ quan đang công tác trong Công an nhân dân, trừ sĩ quan biệt phái quy định tại các điểm b, c và d khoản 1, khoản 3 Điều 25 và khoản 1 Điều 27 Luật Công an nhân dân. Sĩ quan Công an nhân dân khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái được xem xét, bố trí chức vụ tương đương chức vụ biệt phái; được giữ nguyên quyền lợi của chức vụ biệt phái.
5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định cấp bậc hàm cấp tướng ở đơn vị thành lập mới
Cụ thể, ngoài việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể như quy định hiện hành tại Luật Công an nhân 2018; thì còn có thể quy định cấp bậc hàm cấp tướng đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan ở đơn vị thành lập mới nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
6. Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung tương có bậc hàm cao nhất là Đại tá
Theo đó, Trưởng phòng và tương đương; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trung đoàn trưởng sẽ có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá.
Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Công an nhân dân 2018 (sửa đổi 2023) như sau:
Trưởng phòng và tương đương ở đơn vị trực thuộc Bộ Công an có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, tham mưu, nghiên cứu, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ toàn lực lượng; Trung đoàn trưởng ở đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội và Công an Thành phố Hồ Chí Minh; Trưởng phòng tham mưu, nghiệp vụ, tổ chức cán bộ, công tác đảng và công tác chính trị, Trưởng Công an quận, thành phố thuộc Công an thành phố Hà Nội và Công an Thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao hơn 01 bậc quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 Luật Công an nhân dân 2018 (sửa đổi 2023).
Tức là Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá (so với Thượng tá như hiện nay).
7. Bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong Công an nhân dân
Cụ thể, Luật Công an nhân dân sửa đổi 2023 đã quy định bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong công an nhân dân.
Trong đó một vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng.
Sĩ quan công an biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có hàm cao nhất là thượng tướng.
5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng, gồm Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân, một trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và hai vị trí phó cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Công an nhân dân, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an nhân dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là dịp để chúng ta càng hiểu rõ hơn những giá trị lịch sử, thực tiễn của Cách mạng tháng Tám, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay trong việc vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm quý giá, những tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quê hương, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân, xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các đồng chí đã và đang làm việc phục vụ trong lực lượng CAND lời chúc sức khỏe, chúc các đồng chí phát huy tốt những phẩm chất vốn có, để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh theo ước muốn của Bác Hồ về lực lượng công an.