Cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ tháng 11/1936 giành thắng lợi vẻ vang đã trở thành một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung, của giai cấp Công nhân Việt Nam nói riêng trong thời kỳ đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ do Đảng ta lãnh đạo (1936 - 1939). Tầm vóc, ý nghĩa và ảnh hưởng của thắng lợi từ cuộc tổng bãi công ngày 12/11/1936 rất to lớn và sâu sắc, đặc biệt là trong công tác giáo dục truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ Vùng Mỏ. Truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, thể hiện qua những thành tích vượt bậc, những thử thách khắc nghiệt trong nền kinh tế thị trường mà công nhân, cán bộ ngành Than - Khoáng sản Việt Nam đã và đang nỗ lực vượt qua.
Nhìn lại lịch sử của chặng đường vẻ vang
Cuối tháng 2/1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Quảng Ninh cũng ra đời ở mỏ Mạo Khê (Đông Triều). Từ tháng 2/1930 đến tháng 4/1930, các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí - Vàng Danh lần lượt ra đời. Cuối tháng 5/1930, Xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định thành lập Đảng uỷ mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả và Đảng uỷ mỏ Uông Bí - Vàng Danh. Đến tháng 9/1930, Xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định tách Đảng uỷ mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả thành Đảng uỷ mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông và Đảng uỷ mỏ Hòn Gai. Trước sự phát triển của phong trào cách mạng ở khu mỏ, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã quyết định thành lập ở khu mỏ một khu đặc biệt lấy tên là Đặc khu Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả để trực tiếp chỉ đạo phong trào công nhân mỏ. Đảng bộ Đặc khu mỏ được thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ Đặc khu do Xứ uỷ chỉ định gồm 3 đồng chí. Đồng chí Vũ Văn Hiếu được phân công làm Bí thư.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người thợ mỏ đã đứng lên đấu tranh, chống lại áp bức, bất công. Nổi bật là cuộc tổng bãi công ngày 12/11/1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ đã để lại dấu ấn trong lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam. Sau năm 1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy khí thế cách mạng của Cao trào 1936 -1939, giai cấp công nhân Vùng mỏ đã cùng với nhân dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công đã khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vượt lên nhiều khó khăn, vất vả, hy sinh, giai cấp công nhân Vùng mỏ vừa kiên cường chiến đấu, vừa đẩy mạnh các hoạt động phá hoại kinh tế của địch; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, tổ chức công đoàn, phát triển lực lượng du kích, tự vệ trong công nhân, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 24/5/1955, Vùng mỏ hoàn toàn giải phóng, chấm dứt cảnh công nhân mỏ vĩnh viễn thoát khỏi nô lệ áp bức. Ngày 6/11/1961, Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng đã ra Nghị quyết số 31-NQ/KU về việc: “Tổ chức kỷ niệm ngày 12/11, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân Vùng Mỏ” và quyết định: Từ năm 1961 trở đi, toàn Khu Mỏ sẽ lấy ngày 12/11 hằng năm để tổ chức kỷ niệm cuộc đấu tranh anh dũng năm 1936, coi ngày đó là Ngày Hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân khu Mỏ. Qua cuộc đấu tranh anh dũng này, đội ngũ công nhân mỏ than và nhân dân lao động Quảng Ninh đã thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của mình. Tiêu biểu là truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần chủ động sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật cao và tinh thần đoàn kết đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng. Truyền thống tốt đẹp ấy làm phong phú thêm truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và những khẩu hiệu: “Trận địa là nhà, Vùng mỏ là quê hương”, “Tay búa tay súng”, “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”, công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện các phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất”; các chiến dịch “Sản xuất than chống Mỹ, cứu nước”, góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố và tăng cường sức mạnh của miền Bắc, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù hàng ngàn công nhân vẫn chắc tay súng, vừa sản xuất, vừa đánh trả quân xâm lược, nhiều công nhân đã gia nhập “Binh đoàn Than”, tham gia chiến đấu, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Từ sau thắng lợi vĩ đại mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Giai cấp công nhân Vùng mỏ và ngành Than tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ cha anh, đẩy mạnh lao động sản xuất phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước. Cuộc tổng bãi công của công nhân Vùng mỏ ngày 12/11/1936 mãi mãi đi vào lịch sử của lớp lớp thợ mỏ giống như một biểu tượng thành công về tập hợp lực lượng, về tính “Kỷ luật và Đồng tâm”.
Phát huy truyền thống đó, trong suốt 86 năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân và nhân dân Vùng mỏ đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khó, thi đua lao động sản xuất xây dựng ngành Than ngày càng phát triển bền vững. Ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than không còn bó hẹp ở không gian của tỉnh Quảng Ninh nữa mà đã lan tỏa và in đậm dấu ấn với nhân dân, đội ngũ công nhân viên chức, lao động, tổ chức Công đoàn nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Năm 1994 Tổng Công ty Than Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 563/TTg ngày 10/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ. Với chiến lược kinh doanh đa ngành trên nền tảng sản xuất than, Tổng Công ty đã từng bước tháo gỡ khó khăn, trì trệ thời bao cấp, xây dựng mục tiêu chiến lược đúng đắn cho sự phát triển. Môi trường vùng mỏ, điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần của CBCNVC được cải thiện rõ rệt. Ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam và hoạt động theo Điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 228/2006/QĐ-TTg ngày 11/10/2006. Trải qua 85 năm xây dựng và phát triển, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ngành than đã từng bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh và đất nước. Người thợ mỏ hôm nay đã ngẩng cao đầu với sức khỏe tốt, tri thức tốt, có đời sống vật chất, tinh thần lành mạnh, luôn sáng tạo trong lao động, dám đương đầu với thử thách, vượt khó đi lên. Trình độ mọi mặt, từ nhận thức đến tư duy hành động nhạy bén hơn; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề được đào tạo bài bản. Công nhân ở các vị trí sản xuất từ hầm lò đến khai thác lộ thiên, xưởng máy... đã làm chủ được những xe máy, thiết bị hiện đại của các nước có nền công nghiệp khai thác than hàng đầu thế giới. Đây chính là nguồn nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên” cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của ngành than trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với phát triển ngành than. Thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, để góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời, hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 55-NQ/TW; căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 55 và Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW, Bộ Công Thương đã và đang tích cực xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhân dịp kỷ niệm 86 năm ngày Truyền thống công nhân vùng mỏ, xin kính chúc cán bộ, nhân viên, người lao động đang công tác trong ngành than khoáng sản có thêm nhiều sức khỏe để công tác tốt, tiếp tục phát huy truyền thống vốn có xây dựng ngành than ngày càng phát triển, xứng đáng là một trụ cột vững chắc về an ninh năng lượng quốc gia, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.