Từ ngày 1-7, mức lương cơ sở đã chính thức tăng từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Đây là mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay. Quyết định này nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của nhân dân song nhiều ý kiến cũng cho rằng, Chính phủ cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII để góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương.
Nghị định 24/2023/NĐ-CP ban hành ngày 14/5/2023 quy định từ ngày 01/7/2023 chính thức áp dụng mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng đối với 9 đối tượng sau:
- Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019).
- Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019).
- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019).
- Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 33/2012/NĐ-CP).
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Mức lương cơ sở qua 18 lần thay đổi như sau:
Vậy việc tăng lương cơ sở năm 2023 có gì khác biệt so với những năm trước?
Dựa trên quá trình thay đổi lương cơ sở thì có thể thấy từ năm 2017, mức lương cơ sở thường được điều chỉnh tăng vào ngày 01/7 hàng năm.
Tuy nhiên từ giai đoạn năm 2019 đến nay, nguồn lực cũng như nền kinh tế nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được việc cải cách tiền lương. Vấn đề này cũng đã được đề cập tại Nghị quyết 69/2022/QH15. Mặt khác, nhằm cải thiện thu nhập cũng như cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thì Quốc hội cũng quyết định tăng lương cơ sở cán bộ công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng áp dụng từ 01/7/2023. Lần tăng lương cơ sở này cũng có 02 điểm khác biệt so với những lần tăng lương cơ sở trước như sau:
Thứ nhất, khoảng thời gian tính từ lúc tăng lương ở thời điểm tháng 7/2019 đến tháng 7/2023 là 4 năm được xem là thời điểm lâu nhất từ trước đến nay.
Thứ hai, mức lương cơ sở năm 2023 tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng là mức tăng cao nhất của 01 lần điều chỉnh tương ứng số tiền tăng thêm là 310.000 đồng.
Bên cạnh việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức thì kéo theo đó nhiều khoản tiền, trợ cấp dành cho NLĐ ngoài nhà nước được tính dựa theo lương cơ sở cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm. Cụ thể, 12 khoản tiền tăng lên khi lương cơ sở tăng bao gồm:
- Tăng tiền trợ cấp một lần khi sinh con lên 3,6 triệu đồng;
- Tăng tiền hỗ trợ phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau lên 540.000 đồng;
- Tăng tiền phục hồi sức khỏe sau thai sản lên 540.000 đồng;
- Tăng tiền trợ cấp một lần cho người bị suy giảm khả năng lao động;
- Tăng tiền trợ cấp hằng tháng cho người bị suy giảm khả năng lao động;
- Tăng tiền trợ cấp phục vụ cho người bị suy giảm khả năng lao động lên 1,8 triệu đồng;
- Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Tăng mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
- Khoản 2 Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật một ngày như sau:
- Bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình: Mức hưởng bằng 450.000 đồng (hiện hành 372.500 đồng).
- Điều chỉnh tiền lương hưu hằng tháng lên 1,8 triệu đồng
- Trợ cấp mai táng tăng lên mức 18 triệu đồng
- Điều chỉnh tiền trợ cấp tuất hàng tháng lên 1,26 triệu đồng
- Tăng tiền hưởng lương hưu lên 1,8 triệu đồng
Việc điều chỉnh lương cơ sở lần này được đánh giá là một sự động viên đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước và cũng là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ.