Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được triển khai ở nước ta từ lâu, gắn với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và song hành cùng việc phát triển thị trường dịch vụ pháp lý. Ngày 28/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm tạo lập cơ sở pháp lý chính thức cho công tác này.
Bước sang giai đoạn mới, đứng trước yêu cầu của thực tiễn và với mục tiêu mở rộng các hình thức hỗ trợ pháp lý và triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý một cách chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 năm 2017, xác định hỗ trợ pháp lý là một trong bảy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng (Điều 8); Hỗ trợ thuế, kế toán (Điều 10); Hỗ trợ mặt bằng sản xuất (Điều 11); Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung (Điều 12); Hỗ trợ mở rộng thị trường (Điều 13); Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý (Điều 14); Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực (Điều 15). Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/09/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, triển khai chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; Bộ Tư pháp cùng UBND các cấp địa phương cũng tích cực triển khai xây dựng Đề án, Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh”;đồng thời, đã xác định trọng tâm và các định hướng của công tác hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, trong đó có hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong giai đoạn 2021-2030, gồm: (1) tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; (2) hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; (3) có chính sách hỗ trợ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; (4) hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng.
Có thể thấy, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cũng có nhiều nỗ lực trong việc tạo dựng hành lang pháp lý cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa vào nhỏ, đồng thời triển khai hành động bằng các giải pháp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Tuy nhiên, quá trình triển khai trên thực tế còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Để khởi nghiệp, bản thân các doanh nghiệp phải có sự hiểu biết nhất định các quy định pháp luật trong nhiều lĩnh vực, ví dụ: thành lập doanh nghiệp cần hiểu biết Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; vay vốn ngân hàng cần hiểu biết Bộ luật Dân sự, các Nghị định hướng dẫn về giao dịch bảo đảm, Luật Các tổ chức tín dụng; Đầu tư dự án có sử dụng đất cần hiểu biết pháp luật Đất đai; quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh phải hiểu pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; ký kết hợp đồng, giải quyết công nợ phải hiểu Luật thương mại, Bộ luật Dân sự, nếu ký hợp đồng với đối tác nước ngoài còn phải hiểu Luật Hải quan, các hiệp định thương mại, điều ước quốc tế Việt Nam có tham gia...; thực hiện nghĩa vụ nộp thuế phải hiểu được các pháp luật về các sắc thuế; chưa kể đến, doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề, lĩnh vực gì còn phải hiểu luật chuyên ngành quy định về ngành nghề, lĩnh vực đó, đồng thời, còn phải tìm hiểu thêm Bộ luật Hình sự (để tránh bị khởi tố, điều tra), Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để thực hiện các thủ tục khiếu nại đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính khi bị ảnh hưởng đến doanh nghiệp (nếu có),v.v...
Nhưng để doanh nghiệp hiểu hết được và thực hiện được những điều này là điều rất khó bởi thực tế “xô đẩy” doanh nghiệp, muốn được việc phải dựa vào quan hệ, nặng về cơ chế xin cho nên không nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chú trọng đến công tác pháp chế, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật. Với hệ thống 230 Bộ luật, luật đang có hiệu lực thi hành (Nguồn: https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/danh-muc-cac-bo-luat-luat-cua-viet-nam-230-18136-article.html), chưa kể đến hệ thống các Thông tư, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, của Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW thì việc tiếp cận và nắm được các quy định pháp luật thực sự là khó khăn. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý hành chính nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; ở nhiều đơn vị còn chưa chuyển kịp từ mô hình “nhà nước quản lý” sang “ nhà nước phục vụ”; các tổ chức có chức năng hỗ trợ pháp lý, cung cấp dịch vụ pháp lý hoạt động còn nhỏ lẻ, manh mún.
Hậu quả từ việc hạn chế tiếp cận pháp luật là doanh nghiệp lúng túng, thiếu tự tin, chậm xử lý công việc, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, pháp sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong doanh nghiệp; tiềm ẩn nguy cơ rủi ro pháp lý, khủng hoảng về tài chính do bị chiếm dụng vốn, thiếu vốn đầu tư,….
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã chuyển hướng tiếp cận từ đối tượng là “mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động” (Khoản 1, điều 3, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) sang hoạt động hỗ trợ pháp lý có trọng tâm, hướng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 1 Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Lần đầu tiên, tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đưa ra định nghĩa: "Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là việc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện các hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật". Tuy nhiên, các định nghĩa nêu trên dẫn đến cách hiểu rằng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có thể là các cơ quan hành chính nhà nước. Các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các tổ chức hành nghề luật sư, nếu có tham gia hỗ trợ pháp lý cũng chỉ ở vai trò hỗ trợ, phối hợp, trong khi đó, sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức này đối với doanh nghiệp trên thực tế không hề nhỏ.
Về hình thức thực hiện hỗ trợ pháp lý, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã ghi nhận và cụ thể hóa 2 hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đó là: (1) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật; và (2) xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý.
Đối với hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã quy định “cơ sở dữ liệu pháp luật” bao gồm:
(i) Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật,
(ii) Cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý,
(iii) Dữ liệu về bản án, quyết định của tòa án; phán quyết của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp,
(iv) Căn bản trả lời của cơ quan nhà nước đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa,
(v) Căn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật và thủ tục hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật.
Có thể thấy, nếu có thể phát triển được cơ sở dữ liệu như trên thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận được các văn bản qui phạm pháp luật của Nhà nước, tham khảo được các tình huống pháp lý để rút kinh nghiệm, tránh mắc phải. Tuy nhiên, với những vướng mắc trong từng tình huống cụ thể, doanh nghiệp rất phương pháp để phân tích, nhận định, đánh giá tình huống và áp dụng pháp luật và có ứng xử về pháp lý.
Đối với Các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:
(i) Hoạt động cung cấp thông tin, bao gồm thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có);
(ii) Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bao gồm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật;
(iii) Hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực của các cơ quan, tổ chức tiến hành hỗ trợ pháp lý.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã có hiệu lực và đi vào thực thi một thời gian và đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên, hiệu quả chưa cao, còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Để hoạt động hỗ trợ pháp lý thực sự mang lại giá trị, ý nghĩa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc chấp hành pháp luật, một số giải pháp cần quan tâm triển khai là:
(i) Từng bước thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp bằng các biện pháp truyền truyền bằng mọi loại hình thức như: hội thảo, hội nghị, phương tiện truyền thông, truyền thanh, truyền hình,… Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần phải đặt trong mối quan hệ cung – cầu, nhu cầu hỗ trợ pháp lý có tăng thì mới phát triển cung cấp các hoạt động hỗ trợ pháp lý và tiến tới trở thành nhu cầu tất yếu trong xã hội phát triển.
(ii) Đồng bộ hóa chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với các chương trình của cơ quan nhà nước như: cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
(iii) Hoàn thiện hệ thống pháp luật pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, pháp luật luật sư,…để doanh nghiệp được tiếp cận và các cơ quan nhà nước, các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức đại diện doanh nghiệp được tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Củng cố, tăng cường các yếu tố tiền đề cho hoạt động hỗ trợ pháp lý như: kinh phí hoạt động; xây dựng lực lượng tham gia vào mạng lưới hỗ trợ pháp lý như đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, đội ngũ Luật sư của Đoàn Luật sư, đội ngũ Luật gia của các Hội Luật gia, Trung tâm trợ giúp pháp lý; phá triển hiệp hội của các doanh nghiệp để khảo sát, nắm bắt thực trạng pháp lý của danh nghiệp, tạo sự kết nối thường xuyên giữa doanh nghiệp – cơ quan nhà nước – luật sư; tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Điều này mang đến nhiều lợi ích, vừa tiết kiệm chi phí cho Chương trình, vừa nâng cao hiệu quả hỗ trợ vì đây là đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, có chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm; tạo điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện theo kịp chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.