Khiếu nại trước hết được hiểu là một hiện tượng phát sinh trong đời sống xã hội, đó là sự phản ứng có tính tự nhiên của con người trước quyết định, hành vi nào đó vì cho rằng quyết định, hành vi đó không phù hợp, không hợp lí, trái với các quy tắc, chuẩn mực trong đời sống cộng đồng
1. Khái niệm khiếu nại trong tố tụng dân sự
Quyền khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân, thể hiện quyền tự do dân chủ của công dân được quy định tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013.
Cụ thể hoá quy định này của Hiến pháp năm 2013, được thể hiện tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Việc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền này được gọi là khiếu nại trong tố tụng dân sự.
Người có quyền khiếu nại trong tố tụng dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân cho rằng hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đối tượng của khiếu nại trong tố tụng dân sự là hành vi, quyết định trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng. Tuy vậy, quyết định và hành vi của các chủ thể này chỉ trở thành đối tượng của khiếu nại tố tụng dân sự khi được thực hiện trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự người khiếu nại cho rằng ttái pháp luật và xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Ngoài ra, đối với các bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của tòa án nếu có kháng cáo, kháng nghị và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành tố tụng dân sự ban hành, nếu có khiếu nại, kiến nghị thì không thuộc đối tượng của khiếu nại tố tụng mà được giải quyết theo các quy định tương ứng của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
2. Người khiếu nại và bị khiếu nại trong tố tụng dân sự
- Người khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người khiếu nại thực hiện tốt nhất quyền khiếu nại của mình, pháp luật tố tụng dân sự quy định cho người có quyền khiếu nại có quyền tự quyết định việc khiếu nại hay không khiếu nại, tự mình hoặc thống qua người đại diện hợp pháp khiếu nại. Trong trường hợp thấy cần khiếu nại thì có thể khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án dân sự đồng thời có thể rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại. Ngoài ra, người khiếu nại còn có quyền được nhận văn bản trả lời về việc thụ lí để giải quyết khiếu nại; nhận quyết định giải quyết khiếu nại; được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện quyền khiếu nại, người khiếu nại có nghĩa vụ khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết; trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu ưách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật (Điều 500 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
- Người bị khiếu nại là cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự bị cá nhân, cơ quan, tổ chức khiếu nại. Người bị khiếu nại có các quyền được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại; đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi trong tố tụng bị khiếu nại; được nhận quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi trong tố tụng của mình. Đồng thời người bị khiếu nại có nghĩa vụ giải trình về quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự bị khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; bồi thường thiệt hại, hoàn trả hoặc khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật (Điều 501 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
3. Việc giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự
- Thời hiệu khiếu nại
Việc giải quyết khiếu nại nói chung và việc giải quyết khiếu nại trong tố tụng nói riêng phải được thực hiện nhanh chóng và kịp thời. Để đáp ứng yêu cầu này, Điều 502 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định thời hạn để người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại, nếu hết thời hạn này mà người khiếu nại không thực hiện việc khiếu nại thì không còn quyền khiếu nại.
- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Về nguyên tắc, các cơ quan nhà nước, người lãnh đạo các cơ quan nhà nước đều phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi, hoạt động công vụ do cán bộ, công chức của cơ quan mình và cấp dưới thực hiện.
- Thủ tục giải quyết khiếu nại
+ Người khiếu nại phải thực hiện việc khiếu nại bằng đơn gửi cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lí do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.
+ Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nghiên cứu đơn khiếu nại và các tài liệu do người khiếu nại cung cấp. Việc nghiên cúru đơn cần phải xác định, làm rõ được yêu cầu của người khiếu nại; phạm vi khiếu nại; căn cứ khiếu nại; nội dung các tài liệu, chứng cứ được gửi kèm theo đơn khiếu nại ...
+ Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp xúc với người khiếu nại. Thông qua việc tiếp xúc với người khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ hiểu rõ hơn mong muốn, yêu cầu của người khiếu nại mà nhiều khi trong đơn họ không trình bày đầy đủ.
+ Sau khi xác định được thẩm quyền của mình hoặc cơ quan mình đối với việc giải quyết khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thụ lí việc khiếu nại. Theo quy định tại Điều 505 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tòa án, viện kiểm sát nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lí để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết, trường hợp không thụ lí cũng phải nêu rõ. Trường hợp cần thiết đối với vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại. Do đó, trong thời hạn này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự phải xem xét đơn khiếu nại để quyết định việc thụ lí khiếu nại hay không và báo cho người khiếu nại biết.
+ Tiến hành thẩm tra xác minh để giải quyết khiếu nại. Khiếu nại được giải quyết đúng pháp luật hay không phụ thuộc vào việc thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ hay không. Khi xác minh cần khách quan trung thực đảm bảo tính xác thực của chứng cứ, tài liệu. Cần phân tích tổng hợp kỹ lưỡng để đi đến đánh giá các thông tin thu được từ đó có kết luận từng vấn đề.
+ Sau khi đã xác minh được các vấn đề liên quan đến khiếu nại và đã đủ căn cứ để giải quyết khiếu nại thì người có thẩm quyền phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
+ Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung sau: ngày tháng năm ra quyết định giải quyết khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại; căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại và nội dung quyết định giải quyết khiếu nại.
+ Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải được gửi cho người khiếu nại, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại của chánh án thì phải được gửi cho viện kiểm sát cùng cấp.