1. Đất trồng cây lâu năm là gì
Tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT thì đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm theo quy định tại Thông tư liên tịch 22/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, bao gồm :
- Cây công nghiệp lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm dùng làm nguyên liệu để sản xuất công nghiệp hoặc phải qua chế biến mới sử dụng được như cây cao su, ca cao, cà phê, chè, điều, hồ tiêu, dừa,...;
- Cây ăn quả lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm là quả để ăn tươi hoặc kết hợp chế biến như cây bưởi, cam, chôm chôm, mận, mơ, măng cụt, nhãn, sầu riêng, vải, xoài,...;
- Cây dược liệu lâu năm là cây lâu năm cho sản phẩm làm dược liệu như hồi, quế, đỗ trọng, long não, sâm,...;
- Các loại cây lâu năm khác là các loại cây lâu năm để lấy gỗ, làm bóng mát, tạo cảnh quan (như cây xoan, bạch đàn, xà cừ, keo, hoa sữa, bụt mọc, lộc vừng,..); kể cả trường hợp trồng hỗn hợp nhiều loại cây lâu năm khác nhau hoặc có xen lẫn cây lâu năm và cây hàng năm.
Trường hợp đất trồng cây lâu năm có kết hợp nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ thì ngoài việc thống kê theo mục đích trồng cây lâu năm còn phải thống kê thêm theo các mục đích khác là nuôi trồng thủy sản, sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (trường hợp sử dụng đồng thời vào cả hai mục đích khác thì thống kê theo cả hai mục đích đó).
2. Đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp
Theo khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013 về phân loại đất thì nhóm đất nông nghiệp bao gồm:
- Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
- Đất trồng cây lâu năm;
- Đất rừng sản xuất;
- Đất rừng phòng hộ;
- Đất rừng đặc dụng;
- Đất nuôi trồng thủy sản;
- Đất làm muối;
- Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất;
Xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.
Như vậy, đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp.
3. Thời hạn sử dụng đất trồng cây lâu năm với hộ gia đình, cá nhân
3.1. Trường hợp thời hạn sử dụng đất trồng cây lâu năm là 50 năm
Theo khoản 1 Điều 126 Luật Đất đai 2013 quy định thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp là 50 năm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo khoản 2 Điều 129 Luật Đất đai 2013 với hạn mức giao đất trồng cây lâu năm như sau:
- Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng;
- Không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định.
Từ quy định trên, đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng cây lâu năm được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất với hạn mức theo quy định thì thời hạn sử dụng đất là 50 năm.
Khi hết thời hạn thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định nếu có nhu cầu.
3.2. Trường hợp thời hạn sử dụng đất trồng cây lâu năm không quá 50 năm
Theo khoản 2 Điều 126 Luật Đất đai 2013 quy định thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất.
Như vậy, đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng cây lâu năm được Nhà nước cho thuê đất thì thời hạn sử dụng không quá 50 năm và được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất nếu có nhu cầu.