Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của thế giới còn được gọi là “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” đã mang lại những bước đột phá, ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội với những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số còn được gọi là bộ khung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) và Big Data.
Việc ứng dụng các công nghệ này đã làm xuất hiện nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ mới chưa từng có trong lịch sử nhân loại, trong đó phải kể đến tài sản ảo, tiền ảo. Việc phát hành, lưu thông, trao đổi các loại tài sản ảo, tiền ảo ngày càng được mở rộng về quy mô, phạm vi ảnh hưởng, thu hút sự quan tâm của cả xã hội.
Hiện nay, trên thế giới xuất hiện một số thuật ngữ mới liên quan đến tiền như: tiền điện tử, tiền ảo, tiền di động, tiền kỹ thuật số.
- Về tiền điện tử, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mô tả tiền điện tử là giá trị tiền tệ được lưu trữ trên một thiết bị điện tử được sử dụng phổ biến để thực hiện giao dịch thanh toán cho các tổ chức khác không phải là tổ chức phát hành. Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) định nghĩa, tiền điện tử là giá trị được lưu trữ hoặc sản phẩm trả trước, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng.
- Về tiền ảo: theo định nghĩa của ECB, đồng tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không chịu sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm đồng thời là người kiểm soát hệ thống; được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định.
- Tiền điện tử kỹ thuật số hay tiền mã hóa được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp, được giao dịch, trao đổi hoàn toàn trên môi trường Internet và hiện nay chưa chịu sự quản lý của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào (trừ khi được Ngân hàng Trung ương trực tiếp phát hành). Ví dụ điển hình của tiền kỹ thuật số là Bitcoin,...;
- Tiền di động có thể hiểu là một dạng thức tiền điện tử do tổ chức (thường là nhà mạng) cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội, tài sản bao gồm:
- Vật;
- Tiền;
- Giấy tờ có giá. Theo quy định tại khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16/06/2010 của Quốc hội; khoản 1[1] Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN ngày 16/02/2012 của NHNN Việt Nam, giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác;
- Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội.
Liên quan đến tiền, theo quy định của pháp luật Việt Nam đề cập đến:
- Tiền Việt Nam theo quy định tại Quyết định này được hiểu gồm: tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) phát hành (Khoản 1 Điều 2 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/06/2003 của Thủ tướng Chính phủ)
- Ngoại tệ là đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (Khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005)
Quy định của pháp luật Việt Nam về tài sản và quyền sở hữu trong bối cảnh chuyển đổi số, chưa đề cập đến loại tiền là "sản phẩm ứng dụng công nghệ mới"; thuật ngữ tiền điện tử, tiền ảo, tiền di động, tiền kỹ thuật số chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật Việt Nam, chưa có cơ sở để xác định chủ thể sở hữu và thực hiện các giao dịch đối với loại tài sản mới này. Việc bảo vệ các quyền hoặc lợi ích hợp pháp của cá nhân trong việc nắm giữ, chuyển nhượng, thừa kế, yêu cầu bảo vệ khi bị đánh cắp hoặc tước đoạt đối với các loại tiền “công nghệ số” đang thiếu một hành lang pháp lý.
Trên thực tế, các hoạt động giao dịch giữa những người được coi là “chủ sở hữu tiền ảo” vẫn đang diễn ra, tuy nhiên, tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến lừa đảo, rửa tiền và giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu hoặc thực hiện các giao dịch khác khi không thể tuân thủ quy định về định danh khách hàng, không thừa nhận tính pháp lý của việc sở hữu tiền ảo cũng như thực hiện giao dịch có liên quan.
Ở Việt Nam, tiền ảo, tiền điện tử được cho là đang trở thành công cụ để đánh bạc, rửa tiền. Có nhiều trường hợp người Việt móc nối với các đối tượng nước ngoài, sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo. Sau khi lừa tiền của người bị hại, tội phạm có thể chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để mua bán tiền ảo trên các sàn giao dịch như Houbi, Binance rồi rút tiền ở nước ngoài để chiếm đoạt, hay như mới đây, Công an tỉnh Phú Thọ đã điều tra, đề nghị truy tố 06 đối tượng lừa đảo thông qua ứng dụng ngân hàng số RVG.
Cùng với những vấn đề pháp lý liên quan tới giá trị pháp lý của tiền ảo; quản lý hoạt động sử dụng, giao dịch tiền ảo; vấn đề lừa đảo, rửa tiền, một vấn đề nữa đặt ra là việc thực hiện nghĩa vụ thuế phát sinh từ các giao dịch liên quan tới chuyển quyền sở hữu tiền “công nghệ số”. Theo pháp luật của một số quốc gia, tiền ảo, tiền mã hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT (như Thái Lan, Singapore). Tuy nhiên, theo pháp luật Việt Nam, tài sản ảo, tiền ảo chưa được xác định là tài sản, hàng hóa, dịch vụ nên chưa được áp dụng theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế GTGT.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam cần sớm đẩy nhanh quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới để thể chế hóa thành các quy định pháp luật. Trong đó, cần thiết phải đưa ra định nghĩa về tiền mã hóa để làm rõ được phạm vi, đối tượng tiền mã hóa được điều chỉnh theo pháp luật, làm cơ sở xây dựng các quy định có liên quan như định danh được chủ sở hữu của đồng tiền mã hóa, cho phép thành lập, kiểm soát các sàn giao dịch tiền mã hóa, thu thuế, tiến hành thi hành án, định tội danh với các hành vi liên quan đến tiền mã hóa,….