Cách đây 98 năm, ngày 21/06/1925, Báo Thanh niên – Tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên ra đời do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Theo Quyết định của Ban Bí thư số 52-QĐ/TW ngày 5/2/1985 lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí Việt Nam nhằm kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành cho sự phát triển của nền báo chí nước nhà. Ngày 21/6/2000, nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Báo chí cách mạng đã đồng hành cùng dân tộc ta liên tiếp giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, báo chí là phương tiện thông tin nhanh chóng, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các định hướng của địa phương, đoàn thể, ngành, cơ quan…, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, động viên nhân dân ủng hộ, thực hiện các chủ trương, chính sách. Đồng thời, báo chí không ngừng phản ánh thực trạng xã hội, phản ánh vụ việc tiêu cực, phản ánh các ý kiến, nguyện vọng của người dân để các cơ quan chức năng nắm bắt, xử lý, khắc phục..
Từ thực tiễn nâng lên thành pháp luật, Điều 4, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.” Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn:
1/ Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;
2/ Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
3/ Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;
4/ Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;
5/ Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam;
6/ Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.
Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước ta thấm nhuần tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa”; “nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”
Để thực hiện nhiệm vụ của mình, nhà báo – những người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo, được pháp luật trao cho một số quyền, trong đó, có quyền được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí, được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Nhà báo với các quyền của mình, đã tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cải cách hành chính nhà nước, vào quá trình mở rộng và thực hành dân chủ, thiết lập trật tự, kỷ cương phép nước, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Báo chí phát hiện ra những vấn đề tiêu cực, tham nhũng, phát hiện những bức xúc trong quần chúng nhân dân, phản ánh, kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi chính sách và pháp luật, xử lý các cơ quan, cán bộ, công chức, cá nhân, tổ chức vi phạm. Thực tế không thể phủ nhận rằng, sự xuất hiện của đại diện cơ quan báo chí, nhà báo tại các phiên tòa xét xử góp phần làm tăng thêm cơ chế giám sát đối với những người tham gia tố tụng tại phiên tòa. Và nếu như trong vụ án cô giáo Lê Thị Dung tại Nghệ An, nếu có sự tham gia của phóng viên, nhà báo, có lẽ Thẩm phán chủ tọa phiên toà sẽ bớt lộng quyền và hai Luật sư tham gia bào chữa cho cô giáo Dung không bị “đuổi” ra khỏi phiên tòa một cách trái pháp luật.
Không thể phủ nhận sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam và những đóng góp to lớn của các Nhà báo nói riêng, những người làm báo nói chung. Nhưng cũng cần nhìn thẳng vào những thiếu sót, hạn chế, tại Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập”.
Vẫn còn những phóng viên, Nhà báo lạm dụng quyền được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí để quấy nhiễu, làm phiền doanh nghiệp để xin “ủng hộ kinh phí”.
Vẫn còn hiện tượng người làm báo vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, đưa tin xấu, độc, sai sự thật, hoặc đưa thông tin một chiều, định hướng tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Năm 2021, khi chống dịch covid đang là một vấn đề được cả nước quan tâm, một bài báo được đăng tải trên rang báo điện tử Tri thức & Cuộc sống (website: kienthuc.net.vn) liên quan đến công tác chống dịch của một doanh nghiệp có trụ sở tại KCN Cái Lân đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và ảnh hưởng gián tiếp đến đời sống xã hội của hàng chục, hàng trăm người lao động. 06 ngày sau khi các vi phạm của doanh nghiệp đã được khắc phục, thay vì đưa tin về việc doanh nghiệp đã khắc phục các hạn chế, trang điện tử Tri thức & Cuộc sống lại đăng tải bài viết về những vi phạm đã xảy ra trước đó, không nhìn vào sự thay đổi tích cực của doanh nghiệp. Việc định hướng dư luận xã hội theo hướng tiêu cực về vi phạm của đơn vị sản xuất kinh doanh không đúng nhiệm vụ “Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội” của báo chí quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí 2016.
Hay như trên Báo Vietnam.net ngày 10/05/2023 đăng tải bài viết của Nhà báo Quốc Huy với tiêu đề “Cô giáo bị phạt 5 năm tù: Khắc phục gần 45 triệu sẽ có thêm tình tiết giảm nhẹ”. Trong đó, tác giả bài báo dẫn lời ông Lâm Quốc Tú – Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên, Nghệ An và đưa ra thông tin: “nếu luật sư có tâm thì đã tư vấn cho gia đình nộp số tiền gần 45 triệu đồng để được hưởng thêm một tình tiết giảm nhẹ trong vụ án. Luật sư không tuân thủ theo các quy định ở phiên tòa nên HĐXX đã mời ra ngoài phòng xử án.” Trong vụ án này, cô giáo Lê Thị Dung đang kêu oan, các Luật sư qua nghiên cứu hồ sơ vụ án đều có quan điểm bào chữa cô giáo Dung không có tội. Nếu như Luật sư tư vấn tư vấn cho gia đình như lời ông Tú nói trên báo Vietnam.net thì quả thực là mâu thuẫn và “có vấn đề”?! Việc đăng tải bài viết với những thông tin một chiều, ý kiến một phía từ Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, dù vô tình hay cố ý đã tạo ra sự chia rẽ trong nhân dân về chữ “Tâm” của Luật sư trong vụ án này.
Những hạn chế này đã và đang làm tổn hại đến uy tín, danh dự của người làm báo chân chính, cản trở sự phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà báo, người làm báo chân chính, sử dụng ngòi bút như “những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. Những “con sâu làm rầu nồi canh” không vì thế mà làm đánh mất vai trò của nền báo chí Việt Nam, nhưng về lâu về dài, nếu không bài trừ, sẽ biến những báo chí chân chính thành “lá cải”.