Thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị trong những năm qua đã thu được những thành tựu quan trọng, tác động tích cực đến kinh tế, xã hội. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 với việc phát triển, bổ sung các nguyên tắc dân chủ, có tính chất nền tảng về tổ chức và hoạt động xét xử, trong đó có các nguyên tắc liên quan trực tiếp đến hoạt động tố tụng hình sự tại Điều 31, Điều 103 Hiến pháp năm 2013.
Các nguyên tắc nói trên được cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 tại Chương II gồm 27 nguyên tắc, trên cơ sở điều chỉnh 30 nguyên tắc của BLTTHS năm 2003 và bổ sung một số nguyên tắc đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận nhằm khắc phục những hạn chế của BLTTHS năm 2003, hướng tới nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Trong đó, Bộ luật tố tụng HS năm 2015 đã bổ sung các nguyên tắc sau: nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13); nguyên tắc không ai bị kết án 02 lần vì một tội phạm (Điều 14); nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra (Điều 19); nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo (Điều 26).
Vậy, những nguyên tắc này đã được thực thi như thế nào trong vụ án Nhà giáo Lê Thị Dung bị Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên kết tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” từ 2012 đến năm 2017 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, tuyên phạt nhà giáo Lê Thị Dung với mức án 5 năm tù giam đang nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân hiện nay.
1/ Về nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc xác định sự thật của vụ án
Điều 13 BLTTHS năm 2015 quy định:
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”
Và Điều 15 BLTTHS năm 2015 cũng quy định
“Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”
Với những nguyên tắc này, đòi hỏi bất cứ tội phạm nào cũng phải được chứng minh theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định và trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đồng nghĩa với việc, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng các biện pháp hợp pháp, theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật tố tụng hình sự đã quy định, không làm rõ được chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội thì không được phép sử dụng những chứng cứ đó để buộc tội, kết tội. Trong trường hợp này, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quyền suy đoán vô tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người đó không có tội.
Từ khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đến nay các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hưng Nguyên không đưa ra được văn bản pháp luật về tài chính kế toán mà Cô giáo Lê Thị Dung đã vi phạm khi duyệt chi theo Quy chế chi tiêu nội bộ từ năm 2012 - 2017. Các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hưng Nguyên đưa ra một số văn bản và cho là Cô giáo Lê Thị Dung đã vi phạm như: Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông; Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/10/2007; Công văn số 6120/BGDĐ-NGCBQLGD ngày 24/09/2010 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục về việc trả lời công văn của một số Sở GD&ĐT hỏi về Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT. Nhưng Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT không áp dụng cho loại hình giáo dục là Trung tâm giáo dục thường xuyên – đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy và tài chính. Còn Quyết định 01/2007/QĐ-BGDĐT và Công văn 6120/BGDĐ-NGCBQLGD không phải là văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không áp dụng thực hiện với Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên hạng V, chỉ hướng dẫn thực hiện đối với Hiệu trưởng các trường phổ thông hạng I.
Chưa dừng ở đó, Tòa án huyện Hưng Nguyên còn đưa ra kết luận xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ không đúng quy định của pháp luật nên lập chứng từ kế toán sai” là phủ nhận vô căn cứ giá trị pháp lý của các bản Quy chế chi tiêu nội bộ từ 2012 – 2017 đã được ban hành công khai, dân chủ, đúng pháp luật theo quy định tại khoản 1 Mục VII Thông tư 71/2005/TT-BTC ngày 09/08/2006 của Bộ Tài chính, được kế toán và Công đoàn dự thảo, thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong đơn vị theo quy định tại điểm a khoản 2 Mục VII Thông tư 71/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Tính đến thời điểm hiện nay, không có Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào kết luận các bản Quy chế chi tiêu nội bộ từ 2012 – 2017 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên xây dựng, ban hành không đúng quy định pháp luật, không đảm bảo giá trị pháp lý. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên đã trưng cầu giám định tư pháp đối với những bản Quy chế đó và kết luận giám định tư pháp của Sở Tài chính tỉnh Nghệ An đã khẳng định: “Bản Quy chế vẫn có hiệu lực thi hành”. Thực tế, Quy chế chi tiêu nội bộ do Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên xây dựng, ban hành và gửi đến Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát hồ sơ, chứng từ và thực hiện chi trả, thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước.
Số tiền gần 45 triệu đồng chi trả bồi dưỡng cho cô giáo Dung từ 2012 đến 2017 đang bị quy buộc “gây thiệt hại”, thất thoát, mất mát là không có căn cứ. Khi không chứng minh được thiệt hại, vụ án không có thiệt hại, không có mối quan hệ biện chứng giữa hành vi và hậu quả thì không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đáng lẽ, cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để xác định cô giáo Dung không phạm tội.
2/ Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội
Điều 16 BLTTHS năm 2015 quy định: Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.
Tại phiên toàn xét xử nhà giáo Lê Thị Dung sáng ngày 11/04/2023, Thẩm phán Chủ tọa yêu cầu Nhà giáo Lê Thị Dung đứng lên tự trình bày lời bào chữa. Bị cáo đề nghị Tòa cho nhờ Luật sư trình bày bản luận cứ bào chữa cho mình nhưng bà Hương kiên quyết yêu cầu Bị cáo trình bày trước, Luật sư trình bày lời bào chữa sau.
Đứng trước tình hình đó, Luật sư Hoàng Thị Phương đứng dậy xin được có ý kiến, bà Hương liên tục nhắc Bị cáo phải tự bào chữa và yêu cầu Luật sư Hoàng Thị Phương ngồi xuống. Do Luật sư vẫn tiếp tục kiến nghị về quyền được bào chữa cho Bị cáo của mình, bà Hương liền yêu cầu Cảnh sát tư pháp vào và buộc Luật sư Hoàng Thị Phương ra khỏi phòng xử án.
Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Bị cáo, Người bào chữa có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên, không quy định Bị cáo phải trình bày trước, Luật sư bào chữa trình bày sau.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa lạm quyền Chủ tọa áp đặt ý kiến cá nhân bắt Bị cáo phải trình bày trước là vi phạm quy định về tranh luận tại khoản 1 Điều 322 Bộ luật tố tụng hình sự.
Trước đó, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu Luật sư Vũ Quang Ninh rời khỏi phòng xử án khi đang thực hiện phần xét hỏi của mình theo quy định của pháp luật tố tụng mà không lập biên bản để chứng minh Luật sư có hành vi vi phạm Nội quy phiên tòa.
Việc đưa ra các quyết định trái luật, không cho 02 Luật sư tiếp tục tham gia bào chữa cho cô giáo Lê Thị Dung không chỉ xâm phạm quyền lợi của người bị xét xử mà còn hạn chế quyền hành nghề của các Luật sư được pháp luật bảo hộ.